Thực hiện Công văn số 938/SGDĐT-GDMN ngày 12/9/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình về việc bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên mầm non.

Nhằm giúp đội ngũ quản lý cấp học giáo dục mầm non nâng cao kiến thức, kịp thời cập nhật, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về an toàn thực phẩm, đồng thời nắm vững một số kỹ năng ứng phó, xử lý khi có sự cố liên quan đến các vấn đề về an toàn thực phẩm trong các cơ sở Giáo dục Mầm non. Từ ngày 19/9/2017 đến ngày 21/9/2017 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình tổ chức 03 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở Giáo dục Mầm non trên địa bàn 08 huyện, thành phố với tổng số 325 người tham dự. Thành phần tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm bao gồm chuyên viên Phòng Giáo dục và Đạo tạo; CBQL trường mầm non và nhân viên nấu ăn.

Tại các lớp bồi dưỡng, các học viên được nghe Thạc sĩ Vũ Mạnh Dần – Phó trưởng phòng Nghiệp vụ An toàn thực phẩm – Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phổ biến, hướng dẫn các nội dung: Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; Thông tư số 48/2015/TT-BYT ngày 01/12/2015 của Bộ Y tế Quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế; Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 31/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”; Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 01/12/2015 của Bộ Y tế Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Các mối nguy gây ô nhiễm vào thực phẩm và sức khỏe con người; Giải pháp tổ chức và nâng cao khả năng ứng phó, xử trí kịp thời khi có sự cố liên quan đến thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể; Hướng dẫn lựa chọn một số sản phẩm thực phẩm thông thường.

Bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm, lớp tập huấn đã đề cao vai trò, ý thức trách nhiệm của CBQL trong việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại tất cả các cơ sở Giáo dục Mầm non trên địa bàn tỉnh. Để đạt được hiệu quả cao, CBQL cần thường xuyên trau dồi, củng cố, cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm và kịp thời triển khai thực hiện trong hoạt động thực tiễn.

Các lớp tập huấn đã diễn ra theo đúng kế hoạch và đạt được kết quả thành công tốt đẹp. Các cán bộ tham dự đã được trang bị đầy đủ kiến thức về cách thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm; kỹ năng xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó ngộ độc thực phẩm; các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý bếp ăn trường học. Đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn trường học, đặc biệt là sự thảo luận sôi nổi của lớp học trong việc thực hiện quy định mới về chế độ kiểm thực ba bước và cách thức lưu mẫu thực phẩm.

Phòng Nghiệp vụ ATTP.