Được sự nhất trí của UBND tỉnh Ninh Bình, sáng ngày 13 tháng 4 năm 2017, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016 và triển khai Kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017.
Về dự và chỉ đạo Hội nghị có Đồng chí Vũ Mạnh Dương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh. Tham dự Hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội là thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương; lãnh đạo phòng Y tế các huyện, thành phố cùng nhóm phóng viên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đến dự và đưa tin về hội nghị.
(Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016 và triển khai “Kế hoạch Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017)
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Đồng chí Nguyễn Thị Hường - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm báo cáo kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2016 và triển khai kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tươi sống, an toàn – Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Đồng thời tại Hội nghị đã nghe Đồng chí Bùi Văn Quý – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trưởng báo cáo kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Hội nghị đã nghe một số ý kiến thảo luận của lãnh đạo các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công An tỉnh, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn, TP.Ninh Bình, đại diện khối đoàn thể là Hội Nông dân tỉnh,…Các ý kiến đã tập trung làm rõ những khó khăn khi hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương đó là cơ sở sản xuất, kinh doanh đa số nhỏ lẻ, việc chấp hành các quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm còn hạn chế, trang thiết bị và cán bộ chuyên môn thiếu phục vụ cho kiểm tra, giám sát, kinh phí hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm chưa đảm bảo và đề xuất một số giải pháp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Đồng chí Vũ mạnh Dương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm ghi nhận kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016 và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, đặc biệt là trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 và yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị liên quan cần tập trung triển khai các hoạt động sau:
(Đồng chí Vũ Mạnh Dương, TUV, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị)
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Kết luận, Kế hoạch của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về an toàn thực phẩm.
2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp; quan tâm đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Đổi mới công tác truyền thông về an toàn thực phẩm: Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông có tầm ảnh hưởng như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Đài Truyền thanh huyện, xã; các Tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ Quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ Nữ,… tăng cường công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm cho các hội viên để mọi hiểu và có kiến thức trong việc chăn nuôi, trồng trọt, lựa chọn, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn. Thông tin kịp thời những gương điển hình an toàn thực phẩm, đồng thời công khai những cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Trong Tháng hành động, tuyển tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành do các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Công thương làm trưởng đoàn; 08 huyện, thành phố và 145 xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra (chú trọng tăng cường kiểm tra đột xuất) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, một số thực phẩm thiết yếu của do ngành Nông nghiệp, Công thương quản lý như các loại thực phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản, hải sản), rượu,... Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm đặc biệt là hành vi sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
5. UBND các huyện, thành phố cần quan tâm, chỉ đạo, các ngành các cấp, các đơn vị và huy động toàn thể nhân dân tham gia vào việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương.
Phòng Nghiệp vụ ATTP.