Vào lúc 19h30’ ngày 21/12/2016, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình tiếp nhận 04 bệnh nhân thuộc một gia đình. Các bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân do Cyanua có trong măng tươi.
Vào lúc 19h30’ ngày 21/12/2016, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình tiếp nhận 04 bệnh nhân thuộc cùng một gia đình, các bệnh nhân nhập viện đều có triệu chứng về thần kinh như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu; đối với bệnh nhân bị nặng có biểu hiện lơ mơ, cứng lưỡi, bủn rủn chân tay, nói nhảm, kích thích, có buồn nôn nhưng không nôn. Các bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc thực phẩm, triệu chứng bệnh xuất hiện sau khi cùng ăn bữa tối tại gia đình.
Sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tập trung mọi nguồn lực, kịp thời cấp cứu cho các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Đến sáng ngày 22/12/2016,và chiều ngày 23/12/1016, các bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Theo kết quả điều tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Ninh Bình, vào lúc 18h45’ ngày 21/12/2016 tại gia đình ông Đinh Văn Sơn, địa chỉ Thôn Phú Sơn, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, cả 04 người cùng ăn trong gia đình đều bị ngộ độc và phải nhập viện điều trị, trong đó có 01 ca ngộ độc nặng.
Bữa ăn nguyên nhân được xác định là bữa ăn tối lúc 18h00 cùng ngày tại gia đình với thực đơn gồm bún và canh măng củ nấu với xương. Chi cục ATVSTP tỉnh đã lấy mẫu món canh măng củ nấu với xương chó còn thừa tại gia đình để gửi Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây nên vụ ngộ độc thực phẩm.
Kết quả xét nghiệm của Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cho thấy hàm lượng Cyanua có trong món canh măng củ nấu với xương chó là 80 mg/kg mẫu. Theo Quyết định số 3610/QĐ-BYT ngày 31/8/2015 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc”, với liều thấp 50mg Cyanua cũng có thể gây tử vong cho người.
Cyanua (CN-) là loại hóa chất cực độc, được hấp thu nhanh vào cơ thể qua đường tiêu hóa, qua da, đường hô hấp, làm ức chế hô hấp tế bào. Các triệu chứng ngộ độc xuất hiện nhanh, rầm rộ, nặng nề, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trong tự nhiên, Cyanua có nhiều trong củ măng tươi, củ sắn, lá sắn, hạt quả đào, mơ, mận…. Sau khi ăn phải các thực phẩm có chứa Cyanua, trong vòng từ 30 phút đến 1-2 giờ sau khi ăn sẽ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Đầu tiên có cảm giác nóng lưỡi, họng, đau đầu, chóng mặt, kích thích, đau bụng, buồn nôn, thở nhanh sâu. Nặng hơn có rối loạn ý thức, hôn mê, ngừng thở, tụt huyết áp, co giật, có thể dẫn đến tử vong.
Biện pháp phòng ngừa ngộ độc do Cyanua:
- Lựa chọn mua măng tươi, măng ngâm tại những cơ sở kinh doanh bảo đảm các điều kiện về ATTP. Chọn mua măng có màu sắc tự nhiên (không trắng cũng không vàng quá), đối với măng chua, chỉ mua các loại măng đã luộc qua, sau đó ngâm trong nước, mùi chua vừa phải.
- Để đề phòng độc chất trong măng, người tiêu dùng nên rửa kỹ, ngâm măng trong nước nhiều giờ và luộc qua 1, 2 lần trước khi sử dụng vì chất Cyanua sẽ giảm dần độc tố khi tiếp xúc với nước. Khi luộc, nên mở nắp vung, Cyanua cũng có thể bay hơi khi nước sôi. Không được uống nước luộc măng.
- Đối với sắn nên cắt bỏ 2 đầu, lột vỏ, sau đó rửa sạch và ngâm nước trước khi luộc. Khi nước sôi, cần mở nắp vung cho đến khi cạn nước để các chất độc còn sót lại trong củ sắn bay hơi hết.
- Trường hợp nếu ăn các loại thực phẩm nêu trên, từ 30 phút đến vài giờ sau khi ăn xuất hiện các triệu chứng bị ngộ độc, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở Y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Phòng TTQLNĐ