Thực hiện Công văn số 278/ATTP-NĐTT ngày 15/02/2023 của Cục An toàn thực phẩm về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên năm 2023.

Theo số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ, hằng năm vào thời điểm mùa Xuân và đầu mùa Hè đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng…), trong đó đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho những người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa kịp thời.

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai một số nội dung sau:

1. Chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng liên quan tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (có nguy cơ xảy ra ngộ độc).

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên cho cộng đồng:

- Khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ…;

- Hướng dẫn người dân các biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Sử dụng các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc.

3. Hướng dẫn người dân khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc như đau đầu, đau bụng, đi ngoài, buồn nôn, nôn, sốt, ly bì… sau khi ăn, uống các thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên như nấm, rau, củ, quả lạ, côn trùng lạ… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời

4. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, bố trí nguồn nhân lực thường trực, phương tiện và trang thiết bị cần thiết để kịp thời xử lý, điều tra, khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên xảy ra.

Đề nghị các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện. Trường hợp phát hiện có sự cố về ATTP hoặc tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn cần báo cáo nhanh về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để kịp thời phối hợp giải quyết.

Trân trọng cảm ơn./.

(Đính kèm phụ lục: Một số loại thực vật, động vật có chứa độc tố tự nhiên)

1. Nấm độc

Độc tố chính là các amanitin (amatoxin)

2. Khoai tây mọc mầm

Chất độc là Solanin. Hàm lượng solanin phân bố trong củ khoai tây mọc mầm như sau: Trong mầm khoai và chân mầm: 420-730 mg/100g; trong vỏ khoai: 30-50mg/100g; trong ruột khoai: 4-7 mg/100g

3. Quả hồng trâu

(tên gọi khác của cây hồng trâu: cây rom, cây mề gà, cây khua mật, cây móc quạ)

Độc tố Alcaloid chủ yếu chứa trong nhân hạt của quả hồng trâu

4. Ngũ cốc bị mốc (ngô, lạc… mốc)

Ngô, lạc mốc chứa độc tố vi nấm Aflatoxin, Ochratoxin

5. Măng tươi

Măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao. Khi ăn măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành acid cyanhydric (HCN), là một chất cực độc

6. Mộc nhĩ tươi

Mộc nhĩ tươi chứa chất morpholine nhạy cảm với ánh sáng.

7. Cá nóc

Độc tố Tetrodotoxin có trong da, mang, gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, máu của cá nóc

8. Cóc

Độc tố của cóc là hợp chất Bufotoxin, có ở một số bộ phận cơ thể cóc: Nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng cóc.

9. Mật cá trắm

Độc tố chính là một Alcol steroid có 27C (cácbon) gọi là 5α cyprinol

10. Sâu ban miêu

Độc tố trong sâu ban miêu là chất Cantharidin

 

 

Phòng Nghiệp vụ ATTP./.