Tết đến người dân thường có xu hướng mua nhiều thực phẩm dự trữ như rau quả, thịt cá, giò chả... Do đó, hầu hết các gia đình đều còn tồn đọng nhiều thực phẩm sau Tết.

Nếu thực phẩm để lâu ngày, bảo quản không đúng cách sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, biến chất ôi thiu gây ngộ độc cho người sử dụng. Dưới đây là một số hướng dẫn người dân về cách bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn sau Tết:

1. Đối với thực phẩm chín

Những thực phẩm truyền thống (nem chua, bánh chưng) người dân có thể bảo quản trong điều kiện thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp. Tuy nhiên, khi thời tiết ấm dần lên thì những thực phẩm này rất dễ bị hư hỏng. Đối với bánh chưng nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng bọc thực phẩm bao kín. Khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn.

Giò chả có thể để trong ngăn mát tủ lạnh được 4-6 ngày. Nếu muốn để lâu hơn có thể cho vào ngăn đông đá để bảo quản. Trước khi cho vào ngăn đá nên bọc trước bằng lá chuối 2-3 lớp, rồi bọc kỹ lại bằng nilon thêm lần nữa; đảm bảo cho giò được gói kín trong các lớp vỏ. Trước khi ăn, chúng ta lấy giò đông đá ra để ở nhiệt độ phòng trong 04 tiếng hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 08 tiếng để rã đông. Nếu muốn rã đông nhanh hơn có thể cho giò vào ngâm với nước khoảng 01 tiếng, nhưng phải bọc kín giò để nước không ngấm được vào giò.

2. Đối với thực phẩm đông lạnh

Với thực phẩm đông lạnh, chúng ta chỉ nên rã đông một lượng thực phẩm vừa đủ ăn, không nên rã đông toàn bộ. Đặc biệt các loại thịt khi rã đông là phải dùng hết không nên cho lại vào tủ lạnh vì việc để đông lạnh thực phẩm nhiều lần là một trong những nguyên nhân làm tăng sự phát triển ở các vi khuẩn có hại cho sức khỏe con người, dễ gây ngộ độc thực phẩm hoặc các chứng bệnh nguy hiểm khác.

Khi chế biến thực phẩm đông lạnh, nên sử dụng thực phẩm được mua trước, sau đó mới tới thực phẩm được mua sau, tốt nhất chúng ta nên để thực phẩm mua trước ở phía ngoài để dễ lấy sử dụng; tránh để thực phẩm đông lạnh quá lâu, sẽ làm giảm chất dinh dưỡng và có nguy cơ nhiễm khuẩn, nấu ăn sẽ không còn ngon.

3. Đối với rau, củ, quả tươi

Với rau, củ tươi, chúng ta cắt bỏ phần rễ, phần úa vàng, hư thối để nơi thoáng mát. Nếu cho vào tủ lạnh, chúng ta nên bọc chúng trong túi nilon kín trước khi cho vào trong ngăn mát tủ lạnh để tránh bay hơi nước.

Với trái cây làm tương tự, nhưng trước khi cho trái cây vào túi đóng kín, chúng ta nên bọc trái cây với giấy báo sẽ giúp giữ trái cây tươi lâu, không bị chín hàng loạt.

Khi phát hiện thực phẩm đã có dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu, mốc thì tốt nhất chúng ta nên bỏ đi không sử dụng.

Ngoài ra, chúng ta cần chú ý vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, sạch sẽ, tạo môi trường thông thoáng không cho vi khuẩn tích tụ gây hư hỏng thực phẩm; không mở cửa tủ lạnh khi không cần thiết vì nó sẽ làm các vi khuẩn bên ngoài dễ dàng xâm nhập vào thực phẩm bên trong tủ và làm hao phí điện năng.

                                                                   Phòng TTQLNĐ